Bệnh van tim nói chung và hẹp van 2 lá nói riêng đều là những bệnh nguy hiểm, có tần suất xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Y Khoa BLog sẽ tạo một series bệnh van tim để cung cấp các kiến thức y khoa chính xác về bệnh van tim dựa trên các sách chương trình y khoa trong và ngoài nước với độ tin cậy cao. Mở đầu loạt bài này là bệnh hẹp van 2 lá.
Mục lục
Bệnh hẹp van 2 lá
Trong các bệnh chính đe doạ sức khoẻ cộng động, bệnh van tim nguyên phát được xếp sau bệnh mạch vành, đột quị, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường.
Tuy nhiên các bệnh van tim thường đe doạ tính mạng người bệnh với các triệu chứng nặng khi phát hiện bệnh
Phân độ bệnh van tim theo hướng dẫn của AHA/ACC năm 2014:
_ Giai đoạn A ( nguy cơ ): Nguy cơ mắc bệnh bệnh van tim
_ Giai đoạn B ( tiến triển ): Bệnh van tim tiến triển, chưa có triệu chứng
_ Giai đoạn C ( mức độ nặng, không triệu chứng ): C1 ( thất trái, thất phải con bù), C2 ( thất thái và thất phải mất bù)
_ Giai đoạn D ( mức độ nặng, có triệu chứng ): có triệu chứng do hậu quả của bệnh van tim
Khái niệm bệnh hẹp van 2 lá
Trong thời kì tâm trương của tim, máu từ nhĩ sẽ được đẩy xuống thất để chuẩn bị cho kì tâm thu sắp tới. Van 2 lá được xem như ” cánh cửa ” từ nhĩ trái xuống thất trái, trong bệnh hẹp van 2 lá, dòng máu sẽ bị tắc nghẽn không thể đẩy hết máu từ nhĩ trái xuống thất trái.

Có khảng 2/3 bệnh nhận bị hẹp van 2 lá là nữ, thường gặp ở thiếu niên và người trẻ, hẹp van 2 lá đơn thuần chiếm 25% và hẹp van 2 lá phối hợp chiếm 40%.
Bệnh gây tổn thương đa van gặp trong 38% bệnh nhân bị hẹp van 2 lá, trong đó gây tổn thương van động mạch chủ khoảng 35%, van 3 lá trong khoảng 6%, van động mạch phổi hiếm khi bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của bệnh hẹp van 2 lá
_ Thấp tim là nguyên nhân thường gặp nhất
_ Hẹp van 2 lá bẩm sinh
_ Vôi hoá lá van 2 lá
_ Lupus ban đỏ hệ thống
_ Viêm đa khớp dạng thấp
_ U nhầy nhĩ trái
_ Khiếm khuyết biến dưỡng di truyền (bệnh Hunter-Hurler, bệnh Fabry, bệnh Whipple)
Cơ chế của bệnh hẹp van 2 lá

Diện tích van 2 lá bình thường ở người trưởng thành từ 4-6 cm vuông. Khi diện tích lỗ van 2 lá xấp xỉ khoảng 2 cm vuông, cần phải có độ chênh áp lực nhĩ-thất cao bất thường. Đây là dấu chứng đặc trưng về huyết động học của hẹp van 2 lá
Van 2 lá càng hẹp, áp lực nhĩ trái càng tăng, gây nên tăng áp lực tĩnh mạch phổi, áp lực mao mạch phổi, làm giảm sức đàn hồi của phổi góp phần gây khó thở khi gắng sức
Triệu chứng của bệnh hẹp van 2 lá
1. Khó thở
Khó thở là triệu chứng thường gặp nhất. Khó thở và mệt khi gắng sức, khi nằm đầu thấp và khó thở tăng kịch phát về đêm. Khó thở là triệu chứng chính của hẹp van 2 lá, phần lớn là kết quả của sự giảm tính đàn hồi của phổi.
2. Ho ra máu
Triệu chứng ho ra máu chủ yếu do vỡ chỗ nối tĩnh mạch phổi – phế quản thứ phát từ sự tăng áp tĩnh mạch phổi, thường xảy ra ở bệnh nhân chưa có tăng kháng lực mạch máu rõ rết và hầu như không gây tử vong
3. Đau ngực
Khoảng 15% trường hợp, triệu chứng này có thể là do: tăng áp lực thất phải nặng thứ phát do bệnh mạch máu phổi, xơ mỡ động mạch vành, tắc nghẽn động mạch vành do huyết khối, nhồi máu phổi.
4. Nhiễm trùng phổi
Như viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi thuỳ là biến chứng thường gặp của hẹp van 2 lá không điều trị
5. Thuyên tắc phổi
Tái phát, đôi khi có nhồi máu là nguyên nhân bệnh tật và tử vong ở giai đoạn muộn của bệnh nhân bị hẹp van 2 lá
6. Phù phổi cấp
Xảy ra khi có sự gia tăng đột ngột dòng máu đi ngang qua lỗ van 2 lá bị hẹp rõ rệt
Bệnh hẹp van 2 lá đến bệnh viện cần làm những gì ?
Khám thực thể của bác sĩ

Khám lâm sàng của bác sĩ giúp phát hiện các dấu hiệu đặc trưng của bệnh hẹp 2 lá góp phần chuẩn đoán chính xác bệnh :
_ Nghe tim phát hiện tiếng tim thứ nhất (T1) lớn và đanh, tiếng Clắc mở van ở mỏm tim,
_ Nghe tim phát hiện rù tâm trương ( rung tâm trương ) : một âm thổi tâm trương âm sắc trầm
_ Nghe tim phát hiện T2 tách đôi, P2 mạnh: Dấu tăng áp động mạch phổi
_ Nếu phát hiện các dấu hiệu: tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phù ngoại biên, dấu Harzer nhiểu khả năng bệnh đã gây suy thất phải
_ Bệnh nhân bị hẹp van 2 lá có thể có huyết áp bình thường, có thể mạch loạn nhịp do rung nhĩ
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm cho bênh hẹp van 2 lá
_ Test Covid 19
_ Điện tâm đồ (ECG) : giúp phát hiện rung nhĩ, bằng chứng lớn nhĩ trái, tăng áp động mạch phổi…
_ X Quang ngực: phát hiện lớn nhĩ trái, tiểu nhĩ trái, sự tái phân bố mạch máu phổi, lớn thất phải…
_ Siêu âm tim: Xét nghiệm cho độ đặc hiệu và độ nhạy cao trong chuẩn đoán bệnh hẹp van 2 lá
_ D-dimmer: Phân biệt với thuyên tắc phổi
Ngoài ra cần làm các xét nghiệm thường quy khác: Tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, CRP, VS, aPTT, ProBNP, điện giải đồ, bilan mỡ máu (HDL, LDL, TG, cholesterol toàn phần), men gan ( ALT, AST), creatinin, glucose, bilirubin, siêu âm bụng
Chẩn đoán xác định bệnh hẹp van 2 lá
Khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm, khó thở khi nằm đầu thấp
Nghe tim thấy T1 đanh, mạnh ở mỏm tim, tiếng Clắc mở van, rù tâm trương, nếu có tăng áp động mạch phổi: nghe T2 tách đôi, P2 mạnh
Điện tâm đồ: có thể phát hiện lớn nhĩ trái, rung nhĩ, phì đại thất phải
X Quang ngực: lớn nhĩ trái
Siêu âm tim: van 2 lá dày, chuyển động 2 lá van bị hạn chế, diện tích van 2 lá giảm, độ chênh áp tăng
Đã loại trừ các nguyên nhân khác quan khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết
Tiên lượng của bệnh hẹp van 2 lá
Sống còn 10 năm của bệnh nhân hẹp van 2 lá không điều trị phụ thuộc vào độ nặng của triệu chứng cơ năng khi khám: không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ có tỉ lệ sống 10 năm là 80%, trái lại bệnh nhân có triệu chứng hạn chế nặng có sống còn 10 năm từ 0% tới 15%
Ngay khi tăng áp động mạch phổi nặng, sống còn trung bình là 3 năm
Tử vong của bệnh nhân không điều trị hầu hết là do sung huyết phổi và toàn thân tiến triển, thuyên tắc mạch hệ thống, thuyên tắc phổi và nhiễm trùng
Y Khoa BLog hy vọng qua bài viết này có thể cung cấp các thông tin bổ ích đến bạn đọc về bệnh hẹp 2 lá, một bệnh lý rất nguy hiểm, cần tầm soát và khám ngay khi có triệu chứng. Ngoài mặt bệnh học, Y Khoa Blog khuyên mọi người cần chú ý đến xây dựng đời sống sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng hằng ngày lành mạnh. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết về bệnh hẹp van 2 lá trong chuỗi series về bệnh van tim
Tài liệu tham khảo:
Harrison’s Principles of Internal Medicine, 20th Edition
Bộ môn nội tổng quát–Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch–Triệu chứng học, bệnh học nội khoa-Nhà xuất bản Y học.
Bộ môn nội–Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh–Bệnh học nội khoa-Nhà xuất bản Y học.
Trả lời