Hở van động mạch chủ là một trong những bệnh van tim có tiên lượng nặng, cần tầm soát và khám ngay nếu có các triệu chứng điển hình. Cùng Y Khoa Blog tìm hiểu về bệnh hở van động mạch chủ, nằm trong chuỗi Series bệnh van tim
Mục lục
I. Bệnh hở van động mạch chủ
Hở van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ không khép chặt trong thời kỳ tâm trương nên máu chảy ngược dòng từ động mạch chủ về thất trái.
Hở van động mạch chủ có thể là do bệnh lý nguyên phát ở lá van hay ở vách gốc động mạch chủ hay cả hai. Trong đó, bệnh lý ở gốc động mạch chủ là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm hơn 50% trong tổng số các trường hợp.

II. Nguyên nhân của bệnh hở van động mạch chủ
1. Tổn thương tại lá van
_ Hậu thấp: mép van dày, co rút lại gây hở
_ Thoái hoá van ở người lớn tuổi
_ Bệnh mô liên kết: viêm đa khớp dạng thấp, viêm cứng khớp cột sống
_ Giang mai thời kỳ 3
_ Bẩm sinh
2. Tổn thương tại gốc van
_ Gốc van giãn, van đóng không khít
_ Giãn nguyên phát trong một số bệnh: Cystic medionecrosis, Osteogennesis imperfecta
_ Hội chứng Marfan: hình dáng dài, tay chân dài như nhện, mống mắt co giật liên tục
3. Hở van động mạch chủ cấp tính
_ Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể tấn công một van bị thấp trước đó hoặc một van bị biến dạng bẩm sinh. Hậu quả là hở van động mạch chủ do nhiễm trùng làm phá huỷ hay thủng một hay nhiều lá van hoặc do sùi cản trở sự áp sát các lá van
_ Bóc tách động mạch chủ ngực
_ Chấn thương ngực xuyên thấu
4. Bệnh ở vách gốc động mạch chủ
_ Dãn động mạch chủ vô căn, hoặc do thoái hoá
_ Hoại tử dạng nang lớp trung mạc động mạch chủ lên
_ Tăng huyết áp
_ Thuốc ức chế sự ngon miệng
III. Triệu chứng của hở van động mạch chủ
_ Hở van động mạch chủ giai đoạn đầu thường không có triệu chứng
_ Người bệnh đôi khi cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực do tim tăng co bóp
_ Giai đoạn sau của bệnh sẽ xuất hiện có dấu hiệu của suy tim: Khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm, phù phổi cấp
_ Có thể đau thắt ngực từng cơn hay cơn đau bụng cấp do thiếu máu mạc treo
_ Giảm huyết áp có thể gặp trong bệnh hở van động mạch chủ cấp tính
_ Triệu chứng ngất ít khi xảy ra
Nhìn chung các triệu chứng của bệnh hở van động mạch chủ khá giống bệnh hở van 2 lá và hẹp van 2 lá đã được nói đến ở các bài viết trước. Vì thế khi xuất hiện các triệu chứng trên cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa tim mạch để được khám và chẩn đoán chính xác.

IV. Cần làm gì khi đến bệnh viện khám bệnh hở van động mạch chủ
1. Khám bệnh thực thể của bác sĩ
Qua thăm khám trên bệnh nhân, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu gợi ý bệnh hở van động mạch chủ:
Về khám tim:
_ Mỏm tim có thể lệch xuống dưới và sang trái do có thể xuất hiện dãn thất trái
_ Mỏm tim nẩy mạnh, kéo dài do dày thất trái
_ Nghe tim: T1 nhẹ, T2 có A2 mờ, P2 tăng ( do tăng áp động mạch phổi ), Gallop T3, thỉnh thoảng nghe được T4
_ Âm thổi tâm trương
_ Rù tâm trương Austin-Flint
Về các dấu hiệu ngoại biên:
_ Mạch Corrigan: mạch nẩy mạch, chìm nhanh
_ Dấu Musset: đầu gật gù theo nhịp đập của tim
_ Dấu mao quản Quickle ở móng tay
_ Dấu hiệu Traube: mạch đập như súng lục bắn ở động mạch đùi
_ Âm điệu Duroziez: âm thổi đôi ở động mạch đùi
_ Dấu Hill: huyết áp tâm thu khoeo lớn hơn huyết áp tâm thu tay > 60 mmHg
2. Các xét nghiệm cận lâm sàng
_ X Quang tim phổi
_ Điện tâm đồ ( ECG)
_ Siêu âm tim Doppler
_ Chụp cắt lớp CT-Scan
_ Chụp cộng hưởng từ tim ( CMR )
_ Chụp mạch máu ( DSA )
_ Tâm thanh đồ
_ Thông tim
Ngoài ra cần làm các xét nghiệm thường quy khác: Tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, CRP, VS, aPTT, ProBNP, điện giải đồ, bilan mỡ máu (HDL, LDL, TG, cholesterol toàn phần), men gan ( ALT, AST), creatinin, glucose, bilirubin, siêu âm bụng
V. Chẩn đoán xác định bệnh hở van động mạch chủ
Lâm sàng: có âm thổi tâm trương ở vùng van động mạch chủ, đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Có thêm các dấu hiệu ngoại biên của hở van động mạch chủ
Cận lâm sàng: ECG, X Quang, siêu âm tim giúp đánh giá mức độ hở, nguyên nhân hở van, chức năng thất trái và bệnh lý kết hợp
VI. Biến chứng bệnh hở van động mạch chủ
_ Suy tim trái
_ Suy tim toàn bộ
_ Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
_ Thấp tái phát
_ Thiếu máu cơ tim
_ Nhồi máu cơ tim
VII. Nguyên tắc điều trị bệnh hở van động mạch chủ
_ Ngoại khoa: Phẫu thuật thay van động mạch chủ tuỳ theo độ nặng của triệu chứng
_ Nội khoa: Điều trị nội khoa hở van động mạch chủ trong bệnh giang mai và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
_ Sinh hoạt theo mức gắng sức phù hợp, phòng ngừa thấp tim tái phát, điều trị rối loạn nhịp, điều trị tăng huyết áp và các thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ
Y Khoa BLog hy vọng qua bài viết này có thể cung cấp các thông tin bổ ích đến bạn đọc về bệnh hở van động mạch chủ, một bệnh lý rất nguy hiểm, cần tầm soát và khám ngay khi có triệu chứng. Ngoài mặt bệnh học, Y Khoa Blog khuyên mọi người cần chú ý đến xây dựng đời sống sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng hằng ngày lành mạnh. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết về bệnh hở van động mạch chủ trong chuỗi Series về bệnh van tim
Trả lời