Nhu cầu mua sắm và dự trữ thực phẩm ngày càng tăng cao đặc biệt là trong mùa dịch, khi chỉ thị giãn cách xã hội được áp dụng. Tuy nhiên, dự trữ thực phẩm không đơn giản chỉ là cất đồ trong tủ lạnh đến khi nào cần dùng thì mới bỏ ra. Bởi vì mỗi loại thực phẩm đều có cách bảo quản và thời gian dự trữ khác nhau để đảm bảo an toàn về dinh dưỡng. Hãy cùng Y Khoa Blog tìm hiểu bài viết dưới đây để biết cách dự trữ thực phẩm an toàn.
Mục lục
Sơ chế và làm sạch trước khi dự trữ thực phẩm
Những thực phẩm như thịt, cá tươi sống khi mua về cần được dự trữ ở ngăn đá để có thể giữ được trong khoảng thời gian dài. Trước đó bạn nên sơ chế và làm sạch thịt, cá tươi sống với nước rồi mới bảo quản trong tủ lạnh.
Bởi vì hầu hết những loại thực phẩm này được bán ra từ các nông trại hoặc khu nuôi trồng, qua nhiều khâu vận chuyển và đóng gói rất dễ bị vi khuẩn hoặc các chất gây ô nhiễm xâm nhập vào. Kể cả các thực phẩm có mác hữu cơ, thực phẩm không dùng thuốc trừ sâu hay chất bảo quản cũng có thể bị nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, những thực phẩm như rau, củ, trái cây không nên làm sạch hay rửa với nước trước khi dự trữ trong tủ lạnh. Nguyên nhân là do độ ẩm quá cao khiến rau dễ bị biến màu, hư hỏng. Bên cạnh đó, trong quá trình rửa, rau có thể dập nát và trở thành nguy cơ khiến vi khuẩn xâm nhập.
Vì vậy, chỉ nên rửa các loại rau, củ, trái cây trước khi tiến hành chế biến chúng. Nếu thật sự cần rửa, bạn nên để rau thật ráo nước trước khi cho vào dự trữ. Ngoài ra, bạn cũng không nên cắt nhỏ rau, củ, quả vì sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
>>> Xem thêm:

Cách dự trữ thực phẩm tươi sống
Với nhu cầu dự trữ trong thời gian dài, thịt, cá tươi sống để trong ngăn đá là cách bảo quản thực phẩm an toàn và bảo đảm nhất. Để tránh việc rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm đông lạnh bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn của gia đình.
Đặc biệt, dụng cụ chứa thực phẩm phải tuyệt đối kín để dịch tiết có trong thức ăn không chảy ra tủ lạnh trong quá trình dự trữ và để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Trên thực tế, thực phẩm tươi sống có thể dự trữ được đến một năm nếu được cấp đông từ -180 đến -300, cấp đông với nhiệt độ -360 thì dự trữ được đến 18 tháng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ dinh dưỡng, khi bảo quá lâu thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng quan trọng, chất béo hòa tan…
Do vậy, thời gian dự trữ tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ 7 đến 10 ngày; thịt lợn, gà, vịt khoảng 7 ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng 3 ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn.

Cách dự trữ thực phẩm thừa, thực phẩm đã chín
Đối với các loại thức ăn thừa, nếu bạn muốn dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh, cần chú ý nấu sôi lại và để nguội trước khi cất. Từng loại thực phẩm nên được bảo quản riêng, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín khi cất vào tủ lạnh. Tốt nhất là nên sử dụng các loại hộp thức ăn có nắp đậy kín để các loại thức ăn thừa không lẫn lộn vào nhau. Trước khi dùng lại các món ăn này, bạn phải nấu lại cho sôi kỹ và chỉ nên ăn lại một lần sau khi dự trữ để đảm bảo dinh dưỡng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, những món canh chỉ nên dự trữ trong tủ lạnh khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn thì không nên để trong tủ lạnh quá 3 ngày. Nhiều người có thói quen dự trữ rất nhiều món ăn thừa vào tủ lạnh và để quên nhiều ngày sau đó. Hộp hoặc chai thủy tinh sẽ rất hữu ích trong việc giúp người dùng dễ dàng kiểm tra thực phẩm bên trong, có thể dùng cho lò vi sóng và thân thiện với môi trường hơn.
Đối với các thực phẩm vừa nấu chín mà muốn cho vào tủ lạnh để dự trữ, bạn nên nấu sôi, để nguội rồi cất vào luôn. Không nên để thức ăn ở ngoài quá 2 tiếng rồi mới cho vào tủ lạnh, nhất là trong thời tiết nóng nực, nồm ẩm có thể ảnh hưởng đến thức ăn.
Nếu gia đình không có tủ lạnh hoặc trong những ngày mất điện, có thể bảo quản phần thức ăn thừa trong thùng đá hoặc cho phần thức ăn thừa vào hộp đựng thực phẩm và đặt đá xung quanh hộp. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.

Cách dự trữ thực phẩm rau, củ, trái cây
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên lựa chọn những sản phẩm tươi xanh tự nhiên, hình dáng nguyên vẹn, không bị dập nát, hư hỏng hay bị héo. Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ mua rau đã bảo quản lạnh để dự trữ vì khi mua về bạn luôn cần phải để rau ở nhiệt độ thấp, nếu không sẽ rất nhanh hỏng và bạn cũng rất khó biết được rau đã được bảo quản lạnh tại cửa hàng trong bao lâu.
Mỗi loại rau, củ, trái cây đều có cách bảo quản, dự trữ trong tủ lạnh riêng vì thời gian và điều kiện độ ẩm bảo quản khác nhau. Bạn nên phân loại cụ thể rau, củ, trái cây và cho vào túi riêng trước khi cho vào tủ lạnh để dự trữ thực phẩm. Một số loại rau củ cần cách bảo quản riêng biệt, ví dụ như nấm nên được bọc bằng giấy báo để bảo quản và dự trữ thay vì túi hoặc hộp kín.
Đối với hầu hết các loại rau, củ, trái cây nên bảo quản trong túi nilon để ngăn sự bay hơi nước, độ ẩm sẽ cao hơn, giữ được độ tươi lâu hơn. Bạn nên sử dụng túi nilon được làm từ chất liệu PP để dự trữ thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho bạn và gia đình.
Bạn cũng cần lưu ý đến thời gian dự trữ được rau, củ trong tủ lạnh tối đa 3 hoặc 4 ngày để đảm bảo về độ dinh dưỡng. Đối với các loại củ, nếu không sử dụng hết thì nên cho chúng vào trong túi nilon đục lỗ và bảo quản trong tủ lạnh tối đa 2 ngày nữa. Riêng với các loại củ như su su, cà rốt, súp lơ, bạn có thể cất trong tủ lạnh được tới 10 ngày.
>>>Xem thêm: Rau xanh: Lợi ích và cách chế biến ngon miệng.

Trả lời