Theo WHO, thừa cân béo phì đang là “đại dịch” của toàn cầu, với mức độ tăng đáng kể hàng năm ở cả người lớn và trẻ em. Tỉ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt Nam có BMI hơn 25 cũng tăng nhanh đáng kể theo điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Nhu cầu tìm kiếm chế độ dinh dưỡng cho người thừa cân béo phì khoa học và hiệu quả ngày càng tăng. Có rất nhiều chế độ, thực đơn dinh dưỡng tràn lan trên mạng, và đa số trong đó đều không có chứng minh khoa học và độ tin cậy thấp.
Nhận thấy nhu cầu cấp bách đó, Y Khoa Blog sẽ mang đến cho bạn đọc chủ đề dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì hiệu, được cập nhật theo y khoa năm 2021, đã được chứng minh khoa học, nghiên cứu và có độ tin cậy cao.

Mục lục
Thừa cân, béo phì là gì ? Có giống nhau không ?
Thừa cân và béo phì là hai khái niệm khác nhau trong y học.
Thừa cân: là hiện tượng cân nặng cao hơn mức cân nặng nên có tương ứng với chiều cao
Béo phì: là sự tích tụ bất thường và quá mức khối mỡ tại mô mỡ và các tổ chức khác ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nguyên nhân cơ bản là do sự dư thừa năng lượng ăn vào trong một thời gian dài
Để dễ hiểu hơn, và xác định chính xác người thừa cân béo phì, Y Khoa Blog khuyên mọi người nên tính chỉ số BMI ( Body Mass Index ), sau đó dựa vào bảng phân loại của IDI&WPRO hoặc WHO để xác định tình trạng thừa cân, béo phì, qua đó xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lí, hiệu quả.
BMI = (cân nặng )/(chiều cao x 2)
(Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg)
Bảng đánh giá BMI theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO và dành riêng cho người châu Á IDI&WPRO | ||
Phân loại | WHO BMI (kg/m2) | IDI & WPRO BMI (kg/m2) |
Cân nặng thấp (gầy) | <18.5 | <18.5 |
Bình thường | 18,5-24,9 | 18,5-22,9 |
Thừa cân | 25 | 23 |
Tiền béo phì | 25-29,9 | 23-24,9 |
Béo phì độ I | 30-34,9 | 25-29,9 |
Béo phì độ II | 35-39,9 | 30-34,9 |
Béo phì độ III | ≥40 | ≥35 |
Chế độ dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì
Mục tiêu điều trị: Người thừa cân, béo phì thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp có cuộc sống khoẻ mạnh, giảm biến chứng, ít bệnh tật với cân năng hợp lý
Nguyên tắc điều trị: Tạo thăng bằng năng lượng âm tính bằng cách giảm calo năng lượng ăn vào và tăng calo nặng lương tiêu hao
Thay đổi chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng hằng ngày
Giảm năng lượng, đủ chất dinh dưỡng: xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người thừa cân béo phì có năng lượng thấp, nhưng thực đơn phải đủ chất dinh dưỡng cần thiết như: đạm, chất béo, vitamin, muối khoáng… để đảm bảo đủ sức khoẻ và sự phát triển, đáp ứng đủ năng lượng cho hoạt động thể lực
Tạo được sự thiếu hụt năng lượng: cân bằng năng lượng âm tính khoảng 500-1000 Kcal mỗi ngày
Calo năng lượng trong khẩu phần ăn của người thừa cân, béo phì nên giảm từng bước một, mỗi tuần khoảng 300 Kcal so với khẩu phần ăn hiện tại của bệnh nhân cho đến khi đạt năng lượng tướng ứng với mức BMI.
- BMI từ 25-29,9: năng lượng ăn vào là 1500 kcal/ngày
- BMI từ 30-34,9: năng lượng ăn vào là 1200 kcal/ngày
- BMI từ 35-39,9: năng lượng ăn vào là 1000 kcal/ngày
- BMI từ ≥40: năng lượng ăn vào là 800 kcal/ngày
Lưu ý: Khẩu phần ăn có năng lượng thấp hơn 800 kcal/ngày cần phải được theo dõi chặt chẽ trong cơ sở điều trị nội trú
>>> Xem thêm: Bệnh suy dinh dưỡng trẻ em: Tổng hợp năm 2021

Thành phần các chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người thừa cân, béo phì:
Lipid: giảm năng lượng từ chất béo, càng thấp càng có hiệu quả giảm cân, nên ở mức 15% năng lượng. Trong đó, chất béo no chiếm tỷ lệ thấp, chất béo không no chiếm tỷ lệ cao hơn
- Tránh tất cả các thực phẩm nhiều chất béo: thịt mỡ, thịt chân giò, nước dùng thịt, bơ, pho mát…
- Tránh các thực phẩm nhiều cholesterol: não, tim, gan, thận, lòng lợn…
- Tránh các món ăn đưa thêm chất béo: bánh mì bơ, bơ trộn rau, các mòn xào, rán….
Protein: có thể từ 15-25% năng lượng của khẩu phần. Thực tế lâm sàng cho thấy chế độ ăn thấp chất béo, giàu protein vẫn có hiệu quả giảm cân
Đường: nên sử dùng những chất đường nhiều chất xơ để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì: bánh mì đen, ngữ cốc nguyên hạt, khoai củ có đậm độ năng lượng thấp ( tổng số năng lượng trong một đơn vị thực phẩm thấp – low energy food )
Vitamin, muối khoáng: đảm bảo cung cấp đủ cho người thừa cân, béo phì. Có thể bổ sung viên đa vitamin, khoáng chất và vi khoáng tổng hợp, đặc biệt khi khẩu phần năng lượng thấp dưới 1200 kcal/ngày
Rau và quả chín: khoảng 500gram/1ngày, là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, chất khoáng hiệu quả trong chế độ dinh dưỡng của người thừa cân.
Muối: hạn chế ăn muối dưới 6gram/ngày. Nếu có tăng huyết áp thì nên dùng 2-4 gram/ngày. Tạo thói quen ăn uống điều độ: Không bỏ bữa ăn, ăn đúng giờ, số bữa ăn nên 3 bữa/ngày
Ngươi thừa cân, béo phì nên tránh ăn các thức ăn chứa nhiều đường đơn giản: đường, mứt, bánh ngọt, kẹo, chocolate, nước ngọt… Không nên dùng các thức uống như: rượu bia, cà phê, các đồ uống có chất kích thích….
Đối với người thừa cân, béo phì đi kèm với bệnh lý đái tháo đường cần tham khảo chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường, cập nhật 2021 đã được Y Khoa Blog đề cập ở bài viết trước
Đối với phụ nữ đang mang thai và con con bú cần tham khảo lượng calo năng lượng trong thời kì mang thai, cho con bú cần nạp vào để tránh gây tình trạng thừa cân sau sinh ở các bà mẹ.

Người thừa cân, béo phì ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lí, cần tăng cường hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực là những vận động cơ bắp gây tiêu hao năng lượng góp phần làm cân bằng năng lượng âm tính. Đồng thời hoạt động thể lực cũng góp phần làm giảm cơ hội ăn nhiều.
Những hoạt động thể lực có thể là những bài tập có giờ giấc, có khuôn mẫu, cũng có thể là những động tác tự do bình thường tranh thủ trong những lúc nhàn rỗi. Tốt nhất là luôn giữ lối sống năng động như: đi bộ, đi xe đạp, làm việc nhà.

Thông thường, mỗi lần tập, calo năng lượng tiêu hao tối thiểu phải đạt 300 kcal kèm theo chế độ dinh dưỡng phù hợp mới có thể đạt được hiệu quả giảm cân
Tập dưới 3 lần mỗi tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa, ngược lại chỉ có tác dụng kích thích tiêu hoá, ăn uống ngon miệng hơn. Thời gian tập mỗi lần phù hợp với loại hình tập, cường độ tập luyện và tình trạng sức khoẻ. Các loại hình tập nhẹ với cường độ không cao thường phải tập với thời gian dài và ngược lại
Hiểu biết về chế độ dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì là cần thiết trong thời đại ” fast food” ngày ngay, cách giảm cân hiệu quả nhất là có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường hoạt động thể lực cũng như duy trì lối sống tích cực năng động. Y Khoa Blog hi vọng qua chủ đề dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì hiệu quả năm 2021 có thể cung cấp được những thông tin bổ ích và dễ hiểu nhất đến với bạn đọc. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết !
Tài liệu tham khảo:
Bộ Môn Dinh Dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại Học Y Khoa Hà Nội ( 2008 ) – Dinh dưỡng và Vệ sinh An toàn Thực Phẩm – Nhà Xuất bản Y học
Bộ môn dinh dưỡng–An toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch–Dinh Dưỡng Học-Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Thị Lâm (2004) – Chương 28: Thừa cân và béo phì – Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học, Hà Nội – trang 274-282
Trả lời