Chế độ ăn uống lành mạnh có một vai trò thiết yếu trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về những gì nên ăn để giúp đường huyết của mình trở nên ổn định. Vì vậy, hi vọng qua bài viết này của Y Khoa Blog, chúng ta sẽ biết được những loại thực phẩm nào tốt trong việc giúp người mắc bệnh tiểu đường giảm thiểu được tình trạng tăng đường huyết đột ngột và có được chế độ ăn hợp lí nhất.

Mục lục
Rau xanh là thực phẩm tốt nhất cho bệnh tiểu đường
Như chúng ta đã biết, rau xanh mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chúng là một thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn lành mạnh dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Một vài ưu điểm nổi bật có thể kể đến như:
- Thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng và chứa rất ít tinh bột có thể tiêu hóa, nhờ đó giúp cho lượng đường trong máu của người bệnh không tăng quá cao một cách đột ngột.
- Hơn nữa, rau xanh còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C – một chất cho thấy là có khả năng làm giảm các dấu hiệu viêm và đường huyết lúc đói ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc tăng huyết áp.
- Thêm vào đó, loại thực phẩm này cũng có chứa các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin (có chức năng bảo vệ mắt những biến chứng thường gặp như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng…)
Cụ thể thì Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên chúng ta nên sử dụng tối thiểu 3 đến 5 khẩu phần rau xanh mỗi ngày. Trong đó, một khẩu phần sẽ tương đương với:
- 1/2 chén rau nếu đã nấu chín
- 1 chén rau nếu chưa nấu chín
Gợi ý một số loại rau xanh tốt cho bệnh nhân tiểu đường: bắp cải, măng tây, bông cải xanh, súp lơ, đậu xanh, rau diếp, cà tím, ớt, hạt đậu tuyết, rau bina, rau cần tây.

>>> Xem thêm: Lợi ích tuyệt vời của rau xanh đối với cơ thể
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh cho bệnh tiểu đường
Các chất béo có lợi cho sức khỏe là chất béo không bão hòa. Chúng tồn tại khá nhiều trong một số loại thực phẩm thường thấy như:
- Các loại cá (tốt nhất là cá hồi, ngoài ra còn có các loại khác như cá ngừ, cá thu,…)
- Trái bơ. Một nghiên cứu năm 2013 đã cho thấy loại thực phẩm này cung cấp một loạt các lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ quản lý cân nặng… Không những thế, quả bơ còn có hương vị tuyệt vời khi chế biến và thưởng thức. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần chú ý là ăn một cách có kiểm soát và hạn chế thêm các gia vị tạo ngọt như đường hay sữa đặc!
- Dầu ô liu, dầu dừa.
- Các loại hạt (chẳng hạn như hạt điều, hạt óc chó,…).
Lưu ý: bạn chỉ nên ăn cá dưới hình thức nấu, hấp, luộc, không nên ăn dưới dạng chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Thực phẩm nguyên hạt tốt cho bệnh tiểu đường
Ngũ cốc nguyên chất chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các loại ngũ cốc trắng tinh chế.
Ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường vì chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa. Hấp thụ chất dinh dưỡng chậm hơn giúp giữ lượng đường trong máu ổn định.
Lúa mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt thấp hơn trên thang chỉ số đường huyết (GI) so với bánh mì trắng và gạo. Điều này có nghĩa là loại thực phẩm này ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Một số ví dụ phổ biến của thực phẩm nguyên hạt có thể kể đến là:
- Bánh mì đen
- Gạo lức
- Yến mạch nguyên chất hoặc bột yến mạch
- Bột ngô
- Lúa mạch đen
- Kiều mạch

Thực phẩm chứa nhiều protein ít béo cho bệnh tiểu đường
Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong thịt, cá và một số loại rau, chẳng hạn như các loại hạt, đậu và các loại đậu…
Các nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng protein có thể giúp một người cảm thấy no lâu hơn mà không làm lượng đường trong máu tăng cao. Tuy vậy, kết quả này còn tùy thuộc vào từng loại protein. Cụ thể thì, một chế độ ăn có chứa quá nhiều protein động vật có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trong khi một chế độ ăn uống với nguồn protein từ thực vật lại làm giảm nguy cơ này.
Một cách dễ hiểu hơn, người bệnh tiểu đường nên ưu tiên thực phẩm giàu protein nhưng ít chất béo động vật, chẳng hạn:
- Cá: chẳng hạn như cá hồi, cá thu và cá ngừ…
- Gia cầm: như gà, vịt,…
- Các loại đậu và hạt: như đậu nành, đậu đen,…
>>> Xem thêm : Dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường, khuyến cáo năm 2021
Hoa quả phù hợp với bệnh tiểu đường
Hoa quả là một thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời khi đáp ứng nhu cầu bảo đảm sức khỏe của bạn và có tác dụng đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những loại hoa quả tươi được khuyên sử dụng để tốt cho sức khỏe như:
- Dâu tây, dâu đen, việt quất, mâm xôi, nho đen. Đây là nhóm thực phẩm quả mọng chứa nhiều chất xơ, kali, mangan, magie, folate, vitamin C, các chất chống oxy hóa… đồng thời có khả năng kiểm soát đường máu, giảm mỡ máu và hạ huyết áp.
- Bưởi, cam, quýt. Nước ép bưởi có tác dụng giảm đường huyết nhờ tác động tương tự như insulin. Tuy nhiên, với người bệnh tiểu đường nếu đang dùng nhóm thuốc statin để hạ mỡ máu thì không nên ăn bưởi gần với thời điểm dùng thuốc. Vì nó có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu cơ vân, độc cho gan, thận. Với các loại thuốc điều trị khác cũng cần uống cách xa thời điểm ăn bưởi ít nhất là 2 giờ để tránh làm tăng hoạt tính hoặc độc tính của thuốc.
- Bơ, oliu là nhóm thực phẩm quả giàu chất béo cung cấp chất béo tốt, chất xơ hòa tan, axit amin, vitamin B và các khoáng chất tốt như magie và kali, chống oxy hóa, các vitamin A, E và sắt, kẽm, canxi
- Ổi, táo, lê, đào. Đây là nhóm thực phẩm trái cây có hàm lượng chất xơ cao, giàu vitamin C, A và kali. Dưa hấu chứa nguồn vitamin dồi dào như vitamin A, vitamin C, vitamin B, chất xơ, sắt, canxi, kali, magie,…..

>>> Xem thêm: Cách chăm sóc Bàn chân Đái tháo đường 2021
Trả lời