Tại sao Vết thương Bàn chân đái tháo đường khó lành hơn người bình thường? Có những phương pháp nào để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này? Hãy cùng Y Khoa Blog tìm hiểu thông qua bài viết này.
Mục lục
1. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng Bàn chân Đái tháo đường:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bàn chân Đái tháo đường được định nghĩa là bàn chân của người bệnh tiểu đường với loét, nhiễm trùng hoặc phá hủy mô sâu. Kết hợp với bất thường thần kinh và các mức độ khác nhau của bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính đó là Biến chứng mạch máu và biến chứng thần kinh:
- Biến chứng mạch máu: các mạch máu xơ cứng, tắc nghẽn, giảm tưới máu đến các da và các đầu chi. Từ đó các vết thương trở nên khó lành hơn, dẫn đến loét, nhiễm trùng hoặc hoại tử.
- Biến chứng thần kinh: làm cho bệnh nhân tiểu đường mất dần cảm giác đau ở bàn chân, teo và yếu cơ làm cho biến dạng chân ( tạo thành các cục chai), giảm tiết mồ hôi khiến da chân nứt nẻ tạo thành các vết thương.
Ngoài ra, Y Khoa Blog tìm hiểu được một số nguyên nhân khác như: mang giày vớ quá chật, béo phì làm tăng áp lực lên bàn chân, hút thuốc lá.

2. Cách chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân Đái tháo đường:

2.1. Kiểm tra bàn chân hằng ngày:
– Tự kiểm tra từ trên xuống dưới bàn chân
– Chọn nơi có ánh sáng tốt, sử dụng gương hoặc nhờ người thân quan sát những chỗ không nhìn rõ, kiểm tra kĩ lưỡng.
– Cần kiểm tra kĩ cả những kẽ chân, xem có vết xước, vết chai, rộp đỏ hay không.
– Kiểm tra sự phát triển của móng chân có gì bất thường, nhìn kĩ phần khóe móng.
2.2. Vệ sinh bàn chân sạch sẽ:
– Sử dụng xà phòng và nước ấm để rửa chân hằng ngày ( chú ý đến nhiệt độ do cảm giác da ở bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường đã bị suy giảm), không cọ xát mạnh gây tổn thương. Dùng các loại khăn lông mềm để lau khô.
– Nếu da quá khô có thể sử dụng các loại kem dưỡng hay vaseline để dưỡng ẩm da.
– Cắt móng chân thường xuyên, cắt móng ngang, không cắt quá sát. Chú ý: không cắt khóe móng.
2.3. Bảo vệ chân bằng giày và vớ:
– Luôn mang giày để bảo vệ chân . Nên chọn giày bít đầu để bảo vệ phần ngón chân. Không nên mang dép xỏ ngón.
– Mang vớ để giữ ấm và bảo vệ chân. Thay vớ mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh.
– Chọn cỡ giày phù hợp với cỡ chân của bệnh nhân đái tháo đường, không quá rộng cũng không nên quá chật ( rộng sẽ tăng nguy cơ té ngã, nếu chật dễ làm cho chân bị phồng rộp)
– Kiểm tra giày trước khi mang để đảm bảo không có bất cứ vật nào trong giày có thể gây tổn thương đến chân bệnh nhân.
2.4. Đảm bảo sự lưu thông máu đến các chi:
– Bệnh nhân đái tháo đường không nên ngồi vắt chéo chân hay nâng chân quá cao khi ngồi.
– Không đi những đôi giày hay vớ quá chật
– Tạo thói quen mát xa bàn chân giúp tăng lưu thông máu
– Tập vận động ngón chân trong 5 phút, 2-3 lần mỗi ngày
2.5. Cần tránh phỏng bàn chân- Cẩn thận với nhiệt độ:
– Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm bằng cách dùng nhiệt kế hoặc mu bàn tay. Nhiệt độ không nóng quá cũng không lạnh quá, khoảng 37- 40 độ là tốt nhất.
– Không sưởi ấm chân bằng các phương pháp như sưởi bằng lò than, xông hơi bàn chân bằng nước nóng…. vì dễ gây bỏng.
2.6. Cách xử trí ngay khi có vết thương ở bàn chân cho người bệnh Đái tháo đường:
– Đầu tiên là làm sạch vết thương bằng nước sạch, sau đó sử dụng nước muối sinh lý để rửa lại vết thương. Bông gòn, băng gạc làm sạch chỉ nên lau nhẹ nhàng để cầm máu và tránh nhiễm nhiễm khuẩn.
– Tùy theo kích thước của vết thương ở bàn chân mà có thể dùng băng keo cá nhân hoặc gạc để che chở miệng vết thương, tránh ma sát vết thương để mau lành hơn.
– Tuyệt đối không tự ý bôi, đắp thuốc dân gian lên vết thương. Khuyến khích bệnh nhân Đái tháo đường nên đến bác sĩ kiểm tra vết thương để xin chỉ định về thuốc.
Tài liệu tham khảo:
Bệnh viện Nhân dân 115 (2018). Chăm sóc bàn chân đái tháo đường thế nào là đúng cách?
Bộ Y Tế (2020). Chăm sóc bàn chân bệnh nhân Đái tháo đường.
Trả lời