Liên hợp quốc gửi thông điệp Quốc tế Người cao tuổi (1/10): Người cao tuổi hôm nay chính là người trẻ ngày hôm qua và người trẻ hôm nay chính là người cao tuổi trong tương lai. Mục tiêu Tuổi già khỏe mạnh luôn được tất cả mọi người hướng đến. Đặc biệt dịch bệnh COVID-19 đang trong diễn biến phức tạp, đòi hỏi người cao tuổi, người chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết. Hãy cùng Y Khoa Blog bổ sung thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua bài viết này.
Mục lục
Mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khái niệm Tuổi già khỏe mạnh qua 4 lĩnh vực can thiệp chính: định hướng hệ thống y tế theo nhu cầu của người già, phát triển hệ thống y tế bền vững và bình đẳng để cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn, xây dựng môi trường thân thiện với người già, cải thiện sự đánh giá và nghiên cứu các vấn đề của người cao tuổi. Có thể thấy được rằng, Sức khỏe Người cao tuổi đã và đang rất được quan tâm với mục tiêu:
Nâng cao sức khỏe- Đề cao Sự Lão hóa khỏe mạnh cho người cao tuổi.
Giúp người cao tuổi giảm sự phụ thuộc vào người khác trong việc chăm sóc sức khỏe.
Phòng bệnh lí phát sinh – Chữa bệnh lí mạn tính- Chăm sóc giảm nhẹ vào cuối đời.
Yếu tố ảnh hưởng sức khỏe người cao tuổi
Tuổi và giới tính chi phối sức khoẻ người cao tuổi
Tuổi: là yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ người cao tuổi rõ ràng nhất, tuổi càng cao, làm xuất hiện các vấn đề sức khoẻ đáng ngại ở người cao tuổi. Sự xuất hiện các bệnh tuổi già tác động đến chất lượng cuộc sống người cao tuổi: các bệnh về cơ xương khớp, thoái hoá khớp, loãng xương, ung thư, các bệnh mãn tính… Sự thoái hoá tự nhiên gây ảnh hưởng đến tình trạng miễn dịch, gây suy giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh cảm cúm thông thường.. Sự suy giảm các neuron thần kinh ở người cao tuổi gây ra các bệnh về trí nhớ, nhận thức như: giảm sút trí nhớ, lú lẫn, bệnh Alzheimer….
Giới tính: Sức khoẻ người cao tuổi ở giới nam thường tốt hơn nữ, tỉ lệ người cao tuổi nữ mắc các bệnh mãn tính cao hơn giới nam, trong đó các vấn đề tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở người cao tuổi nữ. Ung thư cổ tử cung và ung thư vú chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh ung thư dễ mắc phải ở người cao tuổi nữ, trong khi đó ở người cao tuổi nam là ung thư phổi và ung thư gan
Điều kiện kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sức khoẻ người cao tuổi
Điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người cao tuổi ở Việt Nam còn thấp, gây ra sự thiếu thốn vật chất, khó khăn trong việc tự chăm sức khoẻ của người cao tuổi, phần lớn người cao tuổi sống chung với cao cháu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội của con cháu.

Theo thống kê năm 2016, mức thu nhập bình quân của người cao tuổi ở Việt Nam dừng lại ở mức 2,2 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập này chưa đảm bảo được các điều kiện chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tốt nhất. Do đó, tỉ lệ người cao tuổi ở các hộ nghèo có xu hướng ngày càng tăng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sức khoẻ người già, đặc biệt là ở các vùng quê, nông thôn.
Khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn thấp, người cao tuổi có xu hướng tự thân chăm sóc hoặc sống chung với con cháu, mặc khác các hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở nông thôn, vùng núi chưa được chú trọng phát triển, gây ảnh hưởng đến chất lượng sức khoẻ người cao tuổi ở các địa phương này. Nhìn chung, ở nước ta, các vấn đế kinh tế xã hội còn tác động rất lớn đến sức khoẻ người cao tuổi
Các bệnh mãn tính
Các bệnh mãn tính là nguyên nhân chính gây giảm sút chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi, các bệnh hay gặp ở người cao tuổi sẽ được trình bày kĩ hơn ở mục sau, nhìn chung đây là một yếu tố nguy cơ gây tử vong ở người cao tuổi, do có sự suy giảm về sức đề kháng, sự chữa lành vết thương, dẫn truyền thần kinh ở người già.
Người cao tuổi cần được chú ý chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính lâu năm, vì nguy cơ trở nặng và hoá ác tính khi về già, có thể kể đến các bệnh hay gặp cần chú ý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, ung thư….

Thói quen tập thể dục là yếu tố quan trọng ảnh hưởng sức khỏe người cao tuổi
Tập thể dục được xem là thói quen tự chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi hiệu quả nhất, tỉ lệ người cao tuổi tập thể dục hằng để ngày nâng cao sức khỏe ở Việt Nam còn thấp do cơ sở vật chất chưa phát triển, tỉ lệ công viên, nhà văn hoá còn thấp.
Tập thể dục là hình thức vận động nhằm đảm bảo duy trì các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, người già có thói quen tập thể dục hằng ngày với các bài tập được cá nhân hoá phù hợp, sở hữu sức khoẻ tốt hơn hẳn, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch. Nhìn chung thói quen tập thể dục ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người già, vì thế đây là yếu tố cần được chú ý và phổ biến, giáo dục rộng rãi đến mọi người cao tuổi.
Xem thêm:

Mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng
Quá trình xã hội hoá, đô thị hoá ngày nay, người già bị xem là gánh nặng trong gia đình, tỉ lệ người cao tuổi bị bạo hành trong gia đình và xã hồi có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần và vật chất ở người cao tuổi
Người cao tuổi được sự chăm sóc tốt từ gia đình có tỉ lệ tự đánh giá sức khoẻ cao hơn so với những người cao tuổi thiếu sự chăm sóc quan tâm từ gia đình. Do đó bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ vật chất, chăm sóc sức khoẻ tinh thần người cao tuổi, tăng sức gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, và giữa gia đình với cộng đồng là những yếu tố cần được quân tâm nhiều hơn, và không thể bỏ qua nếu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ ở người cao tuổi
Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, chủng tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân… cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi là chăm sóc sức khoẻ toàn diện, từ các vấn đề kinh tế xã hội, đến các bệnh mãn tính hay gặp, việc chăm sóc sức khoẻ người già cần kết hợp song song với các chính sách hỗ trợ ở địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam
Vấn đề sức khoẻ người cao tuổi thường gặp
Suy giảm nhận thức là vấn đề sức khỏe chính ở người cao tuổi
Sự thoái hoá thần kinh theo tự nhiên ở người già gây ra các bệnh như: giảm sút trí nhớ, lú lẫn, bệnh Alzheimer, Parkinson… gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người cao tuổi. Các dấu hiệu của việc suy giảm trí nhớ, lú lẫn thể hiện qua các hành động như:
- Quên thời gian trong ngày, nhằm lẫn các việc trước sau, các việc đã làm
- Cảm xúc, tâm trạng thay đổi bất chợt trong ngày
- Thỉnh thoảng quên cách dùng từ, khó sử dụng từ ngữ thích hợp
- Quên vị trí đồ đạc cá nhân
Sự suy giảm nhận thức, thần kinh, giác quan gây nên sự tự ti ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ vật chất và tinh thần, vì thế cần có các biện pháp phù hợp, linh động, cần có sự gắn bó, yêu thường từ các thành viên trong gia đình, và xã hội
Suy giảm vận động
Sự suy giảm vận động tác động 2 chiều đến yếu tố tập thể dục ở người cao tuổi. Do không chú ý đến thói quen tập thể dục hằng ngày, nên dẫn đến sự suy giảm chức năng nhanh chóng ở các khớp và xương, và ngược lại do các vấn đề cơ xương khớp dẫn đến đau nhức, khó khăn trong việc duy trì thói quen tập thể dục hằng ngày của người cao tuổi

Các bệnh thoái hoá khớp, loãng xương liên quan đến sự lão hoá mang tính quy luật ở các tổ chức sụn, các tổ chức quanh khớp và ở khớp, trong đó yếu tố di truyền đang được coi là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh. Người cao tuổi không có thói quen vận động, tập thể dục hằng ngày, sẽ thúc đẩy nhanh chóng sự thoái hoá ở xương, sụn gây ra các bệnh về cơ xương khớp.
Sự suy giảm vận động tác động lớn đến sức khoẻ người cao tuổi, hạn chế khả năng tham gia các hoạt động ngoài trời, các sinh hoạt bình thường ở người cao tuổi. Việc chăm sóc sức khoẻ cơ xương khớp cần được chú ý ngay từ đầu, cần bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho người cơ xương khớp người già, và lưu ý các bài vận động nhẹ, duy trì thói quen tập thể dục hằng ngày.
Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi do việc mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và mất đi trong cơ thể. Cơ thể bị lão hoá làm hạn chế việc hấp thu các chất dinh dưỡng, do đó năng lượng không đủ để cung cấp cho các hoạt đồng thường ngày, cơ thể phải sử dụng các nguồn năng lượng dự trữ trong lớp mỡ, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở người già
Ngoài ra việc sử dụng các thuốc chữa bệnh mạn tính, sự suy giảm về nhận thức mùi vị cũng gây ảnh hưởng đến khẩu phần ăn, dần dần ảnh hưởng đến sức khoẻ người cao tuổi
Cần phải chú ý theo dõi khẩu phần ăn của người cao tuổi, kiểm soát cân nặng thích hợp, đặc biệt chú ý đến những hiện tượng sụt cân bất ngờ, kén ăn, khó tiêu
Suy giảm thị lực, thính giác ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi
Người cao tuổi bị suy giảm thị lực, dễ mắc các tật về mắt như loạn thị hay viễn thị.., giảm đáng kể khả năng nhìn, đọc. Mặt khác, người cao tuổi bị suy giảm thính giác khiến khả năng nghe ở cả 2 bên tai đều giảm sút, thường xuyên bị ù tai không nghe rõ khi người nói ở khoảng cách xa
Tình trạng suy giảm thính giác thường đi kèm với tình trạng suy giảm trí nhớ, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của người già, bệnh thường không được chú ý, đến khi các dấu hiệu trở nặng như không nghe âm thanh tivi hay chuông điện thoại,… thì mới nhận ra và đi khám.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, mức độ suy giảm thính giác ở nhóm người 60 – 74 tuổi chiếm tới 36,61% (nam giới) và 27,38% (nữ giới)

Các triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng sức khỏe người cao tuổi:
Để chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi hiệu quả và toàn diện, cần chú ý đến các triệu chứng trầm cảm ở người già, đặc biệt với người già neo đơn, thiếu sự chăm sóc, tình cảm của gia đình
- Hay có cảm giác buồn chán, u sầu, vẻ mặt buồn bã
- Tần suất quên đồ, lú lẫn gia tăng
- Hay mệt mỏi, lười vận động, lười ra khỏi phòng
- Mất ngủ, khó ngủ
- Cảm giác bị bỏ rơi, vô dụng trong gia đình
- Cảm xúc thay đổi, giận dữ, cáu gắt hơn

Những vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà:
Theo dõi tình trạng bệnh lí:
Khi người ta già đi, sức khỏe thường hay có xu hướng giảm sút, bệnh lí thường là mạn tính và phức tạp. Tình trạng đa bệnh tật (có nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc) tăng lên cùng với tuổi. Vì thế, việc theo dõi và chú ý đến những biểu hiện thường ngày của người già là vô cùng quan trọng. Việc làm đó sẽ giúp ngăn chặn một số biến chứng không đáng có ở đối tượng này.
Theo nghiên cứu cho thấy, Té ngã là một hiện tượng phổ biến của người cao tuổi. Cứ 4 người từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người bị té ngã trong một năm. Ở đối tượng này, té ngã gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng như gãy xương, chấn thương vùng đầu. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến tâm lý, gây ra các nỗi sợ vận động, gián tiếp tác động đến sức khỏe của họ. Và các yếu tố gây té ngã ở người lớn tuổi chính là do các bệnh lí thường gặp ở độ tuổi này: bệnh lí thần kinh, loãng xương, rối loạn thị giác… Qua đó cho thấy sự tác động qua lại giữa các bệnh lí đã và đang gây ra những nguy cơ hết sức nguy hiểm cho ông/ bà/ cha/ mẹ chúng ta.
Hãy trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị theo dõi sức khỏe (nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết…) cho người thân và cho những người cao tuổi để thực hiện quá trình chăm sóc tại nhà tốt nhất.

Những lưu ý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà trong thời điểm dịch bệnh COVID-19:
Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công nhất. Và khi nhiễm sẽ tiến triển bệnh rất nhanh. Đặc biệt đối với những người có bệnh lí nền.
Đứng trước vấn đề này, Y Khoa Blog xin đưa ra một số lời khuyên cho đối tượng Người cao tuổi và gia đình:
Hãy ở nhà- hạn chế tối đa việc đi ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người: nếu bắt buộc phải đi ra ngoài ( test cộng đồng, tiêm vaccine) thì hãy tuân thủ tuyệt đối Quy tắc 5K. Luôn trang bị khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay đầy đủ để phòng ngừa sự lây lan, giữ đúng khoảng cách an toàn và khai báo y tế đầy đủ.

Thiết lập chế độ lập chế độ tập luyện thể dục nâng cao sức khỏe tại nhà:
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cho đối tượng người cao tuổi ( 65 tuổi trở lên) rằng: Mỗi tuần, cần ít nhất 150 phút hoạt động thể dục nhịp điệu vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể dục nhịp điệu cường độ cao. Các hoạt động thể dục cần cân nhắc phù hợp với độ tuổi và thể lực- tình trạng sức khỏe của họ.
Có rất nhiều bài tập trong nhà phù hợp với người cao tuổi như thái cực quyền, tập tạ tay, đi bộ, tập bước tại chỗ, hay một số các bài tập giữ thăng bằng. Mỗi buổi tập có thể kéo dài 30 phút tùy vào thể lực. Có thể chia ngắn từng bài tập thành 10-15 phút/ lần để có thể thích nghi với cường độ tập luyện. Ngoài ra còn có một số bài tập thở tốt cho hệ hô hấp cho những người lớn tuổi có bệnh lí hen phế quản, COPD.
Lưu ý KHÔNG NÊN tập nếu có các triệu chứng như sau: đau ngực, tim đập nhanh, bệnh lí huyết áp chưa kiểm soát được, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, đau sưng khớp, bệnh lí nhiễm khuẩn có sốt…
Xây dựng chế độ ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho người cao tuổi:
Các thay đổi ở hệ tiêu hóa như: mất răng, giảm tiết dịch vị dạ dày- thời gian tiêu hóa kéo dài, vị giác và khướu giác thay đổi,… đã làm giảm đi hứng thú ăn uống của người cao tuổi. Vì vậy một thực đơn phù hợp với sở thích và tình trạng sức khỏe- bệnh lí đóng vai trò vô cùng quan trọng để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân, đồng thời giúp người cao tuổi tăng cường sức đề kháng. Một số nguyên tắc về dinh dưỡng cho người cao tuổi như: thành phần thức ăn đa dạng ( kết hợp/ thay đổi các món đạm như thịt cá trứng sữa với các loại đạm thực vật như đậu nành, đậu phộng). Chế biến dễ nhai, dễ nuốt. Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Đặc biệt lưu ý xây dựng chế độ ăn phù hợp với bệnh lí như dinh dưỡng Đái tháo đường, Cao huyết áp, Gout.

Chăm sóc- Kiểm soát tốt các bệnh lí mạn tính cho người cao tuổi:
Người cao tuổi hay có các bệnh lí mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính. Trong thời điểm dịch bệnh, hãy đảm bảo trong nhà luôn có các thiết bị, đầy đủ các loại thuốc điều trị. Phải đảm bảo sử dụng đủ thuốc, đúng liều, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi tình trạng sức khỏe hằng ngày như đo nhiệt độ, huyết áp, lượng đường huyết trong máu. Nếu có bất kì vấn đề hay triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ ngay cho nhân viên y tế để có xử trí kịp thời.
Chăm sóc về tâm lý cho người cao tuổi: Khi về già, hoạt động tâm lí và tư duy sẽ có nhiều sự thay đổi so với lúc trẻ, còn do tâm lí xã hội thay đổi liên quan đến bệnh dịch, hạn chế ra ngoài. Hãy dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ về các vấn đề thường ngày trong cuộc sống. Cần chú ý đến các biến đổi tâm lí, lưu ý đến các triệu chứng trầm cảm của người già. Nếu tinh thần của người cao tuổi tốt thì sẽ giúp đẩy lùi được bệnh tật, tâm lí vui vẻ, cơ thể khỏe mạnh hơn.
Trả lời